7g30 sáng, những “học viên” tại cơ sở đặc biệt này đã tấp nập cho một ngày làm việc mới. Những đôi tay thoăn thoắt đan vòng tay hay nhẹ nhàng đẩy từng đường kim mũi chỉ mà thoạt nhìn khách có thể tưởng là người bình thường.
Các cậu bé khuyết tật say sưa làm những sản phẩm lưu niệm từ những đồ tái chế như dây điện thoại cũ, mây tre... . Ảnh: Nguyễn Đông.
Bên trong một căn phòng nhỏ là gần 10 cô bé người dân tộc Tà Ôi đang say sưa cắt từng mảnh vải Zèng (trang phục truyền thống của người Cơ Tu, Tà Ôi) để may thành những chiếc giỏ sách, những bộ đồ búp bê mang đậm nét văn hóa của đồng bào.
Giơ chiếc giỏ sách xinh sắn, Arất Thị Đương, thôn A Tin, xã A Đớt (A Lưới, Thừa Thiên Huế) - bị tật bẩm sinh do nhiễm chất độc da cam - cho biết phải mất hai ngày em mới hoàn thành được sản phẩm.
“Ở quê mẹ cũng dệt Zèng nhưng chừ ít lắm, em được cho về đây học và chọn học đan và dệt Zèng để giữ lại nghề truyền thống của cha ông”, Đương tâm sự.
Sản phẩm các em hầu hết được tái chế hay tận dụng từ những đồ đã qua sử dụng. Đó là những chiếc vòng đeo tay, túi xách, khung ảnh trang trí xinh sắn hay những trang phục thổ cẩm Dzằng truyền thống, đòi hỏi người làm phải có lòng kiên trì và yêu nghề.
Những chiếc bát xinh xắn làm từ dây diện. Ảnh: Nguyễn Đông.
Với kiểu mẫu đa dạng, màu sắc bắt mắt, lại được làm từ những chất liệu thân thiện với môi trường như mây, lụa, dây điện thoại, tre vấn giấy…, những đồ thủ công này thu hút được khá nhiều khách hàng, nhất là khách du lịch.
Chị Nguyễn Thị Hồng, Phó giám đốc cơ sở, cho biết Trung tâm Hi Vọng được thành lập từ năm 1999 và đến nay đã đào tạo được 21 khóa may, dệt và thủ công mỹ nghệ cho hơn 500 em.
Hiện cơ sở có gần 100 em làm việc, trong số này có trên 70% là trẻ khuyết tật bẩm sinh. Các em được hỗ trợ tiền ăn trưa và tối, học tiếng Anh miễn phí. Lợi nhuận từ các sản phẩm sẽ được trả tiền công, nuôi cơm các em, số còn lại được chuyển về Văn phòng Tư vấn Di truyền hỗ trợ trẻ em khuyết tật trường Đại học Y Dược Huế để giúp cho trẻ em nghèo tim.
Các bạn trẻ không lành lặn đang cố gắng hoàn thiện đường kim mũi chỉ để làm ra những đồng tiền của riêng mình. Ảnh: Nguyễn Đông.
Nhiều em đến thời điểm hiện tại đã có thu nhập ổn định, có em còn dành tiền gửi về cho gia đình.
“Mỗi em tại đây là một hoàn cảnh khác nhau. Có em bị câm điếc bẩm sinh, có em chân tay dị tật, đi lại phải nhờ đến người khác… Khó khăn là vậy nhưng các em đều có chung một niềm tin vào cuộc sống và khao khát gìn giữ những nghề truyền thống của các làng nghề đang bị mai một”, chị Hồng tâm sự.
Hình ảnh về đồ thủ công tinh xảo của các em khuyết tật
Bộ chén từ dây điện thoại |
Hộp đựng đồ làm từ vải loại |
Đĩa làm từ dây điện |
Tháp chuông hòa bình từ đồ tái chế |
Móc chìa khóa với chất liệu từ vỏ lon bia |
Những chiếc bát xinh xắn làm từ dây điện |
Xe hoa từ vải loại |
Rổ rá từ vỏ bao mì tôm |
Nguyễn Đông
Nguồn : http://vnexpress.net/gl/doi-song/2011/03/do-hand-made-cua-nhung-dua-tre-bat-hanh/page_1.asp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét